BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG - TRÁCH NHIỆM CỦA GIA ĐÌNH - NHÀ TRƯỜNG - XÃ HỘI

BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG - TRÁCH NHIỆM CỦA GIA ĐÌNH - NHÀ TRƯỜNG - XÃ HỘI

Vụ việc nữ sinh lớp 9 bị bạo hành bởi chính các bạn cùng lớp của mình tại Trường THCS Phù Ủng (Huyện Ân Thi) đã làm nhức nhối thêm dư luận về vấn nạn bạo lực học đường và câu hỏi đặt ra là: Trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống, hành vi ứng xử cho học sinh ra sao? Giải pháp nào cho cả một nền giáo dục trước làn sóng bạo lực dường như đang tràn vào học đường từ tất cả các ngõ ngách?

PV: - Với tư cách là một nhà giáo và một người chịu trách nhiệm quản lý nhà trường, bà có thể cho biết quan điểm về vụ việc nữ sinh bị bạo hành tại trường Phù Ủng? Trách nhiệm của giáo viên và Hiệu trưởng đến đâu trong sự việc này?

PGS. TS Nguyễn Thị Ngân Hoa: - Vụ việc này chỉ là phần “vỡ tung” ra của căn bệnh đã trở nên trầm trọng trong toàn xã hội mà nhà trường là nơi xung yếu nhất, dễ bị tổn thương nhất và cũng khó che giấu nhất. Xét về trách nhiệm trực tiếp, tất nhiên cô giáo chủ nhiệm và thầy hiệu trưởng nhà trường, rồi tổ chức đoàn đội trong nhà trường phải là những người chịu trách nhiệm đầu tiên vì sự việc xảy ra trong trường (dù là sau giờ học) và với học sinh của trường. Tuy nhiên, không ai vô can cả, đặc biệt là gia đình những học sinh hành hung bạn cùng lớp, và cả gia đình nữ sinh bị hành hung. Hành vi hung hãn và côn đồ của một nhóm học sinh như vậy không phải là ngẫu nhiên, nó là hệ quả của cả một quá trình sống, sinh hoạt, học tập trong gia đình, nhà trường mà hoàn toàn không được điều chỉnh hay cảnh báo. Tính cách và hành động là kết quả của cả một quá trình, các em còn đang tuổi vị thành niên, những bất thường trong hành vi (ứng xử, nói năng) trong gia đình và ở nhà trường lẽ ra phải được nhận diện sớm và phối hợp để điều chỉnh. Nếu có sự nhận diện, cảnh báo và điều chỉnh những nguy cơ trong lối sống của học sinh từ các phạm vi trên, chắc chắn sẽ giảm thiểu được những vụ việc học sinh ứng xử côn đồ bất chấp pháp luật và phi nhân tính như hiện nay trong nhà trường, ngoài xã hội.

Phối hợp chặt chẽ giữa Gia đình – Nhà trường và Xã hội trong quá trình giáo dục đạo đức cho học sinh là một vấn đề cấp thiết hiện nay

PVPhải chăng nạn bạo hành trong nhà trường hiện nay, đặc biệt là vụ việc nữ sinh ở Hưng Yên là hậu quả của “bệnh thành tích trong giáo dục” chỉ chú trọng dạy chữ và không dạy người, học sinh quá áp lực và mất cân bằng gây nên những khủng hoảng tâm lý và hành vi của các em?

PGS. TS Nguyễn Thị Ngân Hoa: - Cần phải có một cái nhìn công bằng và toàn diện về nguyên nhân sâu xa của hiện tượng bạo lực lan tràn trong nhà trường. Cũng cần phân biệt ra các cấp độ và phạm vi của các hành vi: bạo lực học đường, xâm hại học đường, bắt nạt học đường. Trong trường hợp này, ta đang nói đến bắt nạt học đường: học trò bắt nạt lẫn nhau và gây tổn thương về thân thể, tinh thần đối với những người bạn cùng lứa tuổi. Có một sự đổ vỡ nghiêm trọng trong suy nghĩ và hành vi của các em: không đếm xỉa đến những quy định mà trường nào cũng chăng thành khẩu hiệu như kiểu Nhà trường thân thiện – Học sinh tích cực… rồi Nói lời hay – Làm việc tốt vv… Không thầy cô nào dạy các em những điều như đã xảy ra cả mà thực tế chúng ta luôn rao giảng đủ thứ tốt đẹp trong giờ chào cờ, trong giờ sinh hoạt lớp, trong lễ kết nạp đội viên, đoàn viên… Nhưng dường như những điều đó đã trở thành vô nghĩa. Tại sao? Tại vì thực tế cuộc sống đang diễn ra bên ngoài cánh cổng trường, trong gia đình, ngoài đường phố và phần góc tối trong chính nhà trường nữa quá nhiều độ “khúc xạ”, quá lệch pha với những gì ta đang giáo điều, đang nhồi sọ và đang cố truyền giảng một cách thiếu tự tin, trong tuyệt vọng. Hơn ai hết, trẻ con, học sinh đang tuổi mới lớn là những cá nhân vô cùng nhạy cảm, bằng trực cảm, trực giác gần như bản năng các em phân biệt được ngay thật giả và tốt xấu. Nhưng các em chưa đủ sức đề kháng với căn bệnh giả dối, sùng bái kẻ mạnh, áp đặt và áp đảo người khác bằng sức mạnh phi nhân tính, bằng quyền lực bất chính đâu đâu cũng thấy trong các ngõ ngách của đời sống. Đứa trẻ như miếng bọt biển có thể hấp thụ rất nhanh những thói hư tật xấu đó và cũng học cách che giấu nó (y hệt như người lớn chúng ta). Nhưng trẻ em chưa đủ sức để bao che nó và chưa đủ độ giả trá như người lớn, nên chúng chuyển thành các hành vi hung tính, côn đồ mang tính bột phát rất nhanh như chúng ta đã thấy. Không thể kết tội riêng đứa trẻ hay riêng thầy cô chủ nhiệm hoặc hiệu trưởng nhà trường. Nhà trường không phải là một pháo đài hay một thánh đường vô nhiễm với mọi căn bệnh xã hội. Học sinh là nạn nhân đầu tiên. Nhưng thủ phạm thì có ở khắp mọi nơi, chính mỗi chúng ta, bằng sự sợ hãi trước cái xấu và cái ác, dung túng cho thói đạo đức giả, đều góp phần vào việc tạo nên căn bệnh xã hội này.

PVBà cho biết ý kiến về việc xử lý những hành vi của các nữ sinh côn đồ: có nên đuổi học các em?

PGS. TS Nguyễn Thị Ngân Hoa: - Tôi thì nghĩ rằng cần phải cứu các em. Cần phải giúp các em nhận diện ra sự sai lầm của của mình và cho các em cơ hội để sửa chữa. Kỷ luật là cần thiết. Nhưng các em không phải đối tượng để chúng ta cho mình quyền ném đá, sỉ nhục tiếp. Chúng ta đều có lỗi trong chuyện này và cần sửa lỗi lầm đó bằng cách không được làm hỏng cuộc đời của tất cả các em sau sự việc này. Đó là điều chúng ta phải làm. Cần một sự thấu hiểu từ bố mẹ, thầy cô, nhà trường và toàn xã hội. Chúng ta đang hành xử giống như năm nữ sinh kia đối với bạn cùng lớp khi xúm vào để nguyền rủa những đứa trẻ, thầy cô, nhà trường, như thể chúng ta là những kẻ trong sạch và vô can.

Giáo dục đạo đức cho học sinh là tiền đề vững chắc để nâng cao chất lượng văn hóa học đường

PVVề hình thức kỷ luật với giáo viên và hiệu trưởng nhà trường? Bà có cho rằng cần cho cô giáo thôi việc và cách chức hiệu trưởng?

PGS. TS Nguyễn Thị Ngân HoaCách chức hiệu trưởng hay cho thôi việc giáo viên chỉ là những giải pháp tạm thời. Tuy nhiên, tôi nghĩ phải làm đúng luật. Việc thiếu trách nhiệm trong giáo dục học trò là có thật, việc bao che vụ việc là có thật. Tuy nhiên, để cho thôi việc (đuổi việc) phải dựa vào luật, phải căn cứ vào những quy định của ngành và phải xem xét kỹ. Chúng ta không thể lại tiếp tục hành động cảm tính và bất chấp quy định được. Đem một ai đó ra thí tốt làm nguội dư luận không phải là liều thuốc chữa bệnh nặng lúc này. Không nên làm theo sự kích động của đám đông. Tôi nghĩ các nhà quản lý giáo dục cần có những giải pháp đúng đắn và lâu dài. Cần có một sự phối hợp đầy đủ hơn giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội trong việc giáo dục con trẻ. Mặc dù khó khăn, mặc dù nhà trường đang bị mất đi ngôi vị thiêng liêng trong dòng xoáy của cuộc sống này và người thầy cũng bị mất phương hướng, mất niềm tin, nhưng ta phải lấy lại niềm tin cho con trẻ, chắc chắn, ta phải hy sinh rất nhiều.

PV: - Như vậy, cần thay đổi lại cách giáo dục hiện nay, dạy người trước khi dạy chữ?

PGS. TS Nguyễn Thị Ngân Hoa: - Không thể nói một cách phiến diện như vậy, không rèn luyện, không khổ công trong học tập thì cũng không thể có phẩm chất tốt đẹp: chăm chỉ, nỗ lực, ý chí. Dạy chữ và dạy người (giáo dục nhân tính) không phủ nhận nhau, đứa trẻ lười học, lêu lổng và dễ dãi trong học hành thì dễ sa vào tệ nạn xã hội và dễ nhiễm thói côn đồ hơn đứa trẻ chăm học, chăm làm. Chúng ta không nên để trào lưu và ngôn từ hoa mĩ làm nhiễu loạn. Viết một bài chính tả cẩn thận cũng là để rèn sự kiên nhẫn, tạo sự cân bằng trong tâm lý và vận động. Nét chữ nết người. Tri thức, sự hiểu biết sẽ giúp con người không trở nên hoang dại, thú tính. Nhân bất học bất tri lý. Không thể dạy một đứa trẻ biết tôn trọng và có trách nhiệm khi để nó lười biếng và không có tri thức, không chịu học tập theo sự hướng dẫn của thầy cô. Tôi cho rằng chúng ta đang nguỵ biện và dễ dãi nhiều thứ và không nhìn ra gốc rễ của vấn đề. Có điều, nhiều đứa trẻ trong nhà trường bằng cách nào đó lại biết rằng chưa chắc học giỏi, chăm ngoan, tử tế đã được tôn trọng trong xã hội, đã tìm được giá trị xứng đáng… Và sự đổ vỡ, sự khủng hoảng bắt đầu từ đó. Tôi nghĩ nhà trường cũng đang là nạn nhân của xã hội. Giáo dục đang phải chịu những áp lực từ vòng xoáy của xã hội. Để tìm được giải pháp, cần một sự nỗ lực từ nhiều phía. Thái độ đổ tội cho thầy cô và nhà trường chẳng qua là một cách chối tội của tất cả chúng ta.

PV: Cảm ơn bà vì cuộc trao đổi rất thẳng thắn này.

Bài viết liên quan

CHUYẾN THAM QUAN, TRẢI NGHIỆM THÚ VỊ TẠI BẢO TÀNG DÂN TỘC HỌC VIỆT NAM

01/04/2020

Chuyến tham quan, trải nghiệm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã giúp các em có thêm những hiểu biết lý thú về...

MỘT NGÀY TRẢI NGHIỆM EDUFARM: KHÁM PHÁ - THỬ THÁCH - TRƯỞNG THÀNH

01/04/2020

Khác với nhiều trang trại khác, Edufarm là trang trại giáo dục với môn hình nông nghiệp kiểu mới đảm bảo sạch và hiện đại....

BĂN KHOĂN CHUYỆN CHỌN TRƯỜNG CÔNG - TRƯỜNG TƯ

01/04/2020

Chị Nguyễn Tường An ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) năm nay có con sinh năm 2013 vào lớp 1. Suốt một năm...

Thong ke
back_to_top